Ngày nay, dịch vụ kinh doanh vận tải bằng ôtô đang rất phát triển và phổ biến, nó không chỉ đem lại lợi nhuận cho chủ doanh nghiệp, mà còn góp phần quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, văn hóa, xã hội,… Ngành nghề kinh doanh vận tải bằng ôtô là một trong số những ngành nghề có điều kiện, để được hoạt động kinh doanh doanh nghiệp phải xin giấy phép theo đúng quy định của pháp luật.
- Điều kiện xin giấy phép kinh doanh vận tải
– Phải tiến hành đăng ký kinh doanh.
– Phương tiện vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định
– Người điều hành hoạt động kinh doanh vận tải phải có trình độ chuyên ngành vận tải từ trung cấp trở lên và đã tham gia công tác quản lý vận tải tại các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải ít nhất là 03 năm;
– Có nơi đỗ xe theo quy định, bảo đảm số lượng, chất lượng cũng như niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh
– Có đủ số lượng phương tiện vận tải thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp khi thuê xe.
– Trường hợp phương tiện vận tải đăng ký thuộc sở hữu của xã viên hợp tác xã thì phải có cam kết kinh tế giữa hợp tác xã và xã viên, trong đó quy định về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của hợp tác xã đối với phương tiện vận tải thuộc sở hữu của xã viên hợp tác xã.
- Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô
– Phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã;
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải có sức chứa từ 09 chỗ trở lên (kể cả người lái xe) và có niên hạn sử dụng như sau: Không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến cự ly trên 300 ki-lô-mét, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống;
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt có niên hạn sử dụng không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất);
– Xe taxi phải có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất); không sử dụng xe cải tạo từ xe có sức chứa từ 09 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 09 chỗ (kể cả người lái xe) hoặc xe có kích thước, kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi;
– Xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch có niên hạn sử dụng không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất). Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có niên hạn sử dụng như sau: Không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 300 ki-lô-mét, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống.
Riêng xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách du lịch và xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) sử dụng hợp đồng điện tử có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).
- Điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã.
- Thành phần hồ sơ
a. Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã:
– Giấy đề nghị cấp Giấy phép (theo mẫu);
– Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
– Bản sao công chứng văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành vận tải;
– Phương án kinh doanh;
– Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi ngoài ra còn phải có thêm: Văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận theo dõi an toàn giao thông; bản đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải (đơn vị đã thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO gửi bản sao chụp giấy chứng nhận);
– Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ còn phải có thêm văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận theo dõi an toàn giao thông.
b. Đối với hộ kinh doanh
– Giấy đề nghị cấp Giấy phép (theo mẫu);
– Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Trình tự thủ tục
– Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép (01 bộ) được gửi đến Sở Giao thông vận tải;
– Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép. Trường hợp không cấp Giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– Trường hợp có thay đổi về điều kiện kinh doanh liên quan đến nội dung trong Giấy phép, đơn vị kinh doanh phải nộp hồ sơ về sự thay đổi đó để được cấp lại Giấy phép.