Theo Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Qua đó, có thể phân loại tác phẩm phái sinh thành: Tác phẩm dịch, tác phẩm phóng tác, tác phẩm cải biên, tác phẩm chuyển thể, tác phẩm biên soạn, tác phẩm chú giải, tác phẩm tuyển chọn.
- Phân loại tác phẩm phái sinh
– Tác phẩm dịch: Là tác phẩm được dịch sang ngôn ngữ khác dựa trên nội dung của tác phẩm gốc. Bản dịch phải sát nghĩa, không diễn đạt sai ý của tác giả.
– Tác phẩm phóng tác: Là tác phẩm phỏng theo một tác phẩm đã có nhưng có sự sáng tạo về nội dung, tư tưởng… làm cho nó mang sắc thái hoàn toàn mới, khác biệt so với tác phẩm gốc.
– Tác phẩm cải biên: Là sửa đổi, biên soạn lại một phần nội dung, chuyển thể loại, thay đổi về hình thức diễn đạt so với tác phẩm gốc. Khi cải biên tác phẩm, người cải biên phải được chủ sở hữu tác phẩm gốc cho phép và phải trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc.
– Tác phẩm chuyển thể: Là tác phẩm được sáng tạo trên nội dung tác phẩm gốc nhưng có sự thay đổi về loại hình nghệ thuật, dễ thấy nhất là việc chuyển thể truyện thành phim, kịch…
– Tác phẩm biên soạn: Là tác phẩm được tạo ra trên cơ sở tổng hợp thông tin, thu thâp, chọn lọc nhiều tài liệu sau đó tự biên tập, viết lại thành một tác phẩm mới có trích dẫn nguồn thông tin đã tham khảo.
– Tác phẩm chú giải: Là tác phẩm thể hiện quan điểm, lời bình, giải thích, làm rõ nghĩa một số nội dung trong tác phẩm gốc.
– Tác phẩm tuyển chọn: Là tác phẩm được tạo ra trên sự tổng hợp, chọn lọc và sắp xếp những tác phẩm gốc (giữ nguyên nội dung) theo một số tiêu chí nhất định, thường là bộ sưu tập thơ, truyện ngắn, bài hát…
- Đặc điểm của tác phẩm phái sinh
– Là tác phẩm được tạo ra dựa trên một tác phẩm đã có.
– Là sáng tạo nguyên gốc, có sáng tạo nhất định về nội dung, về hình thức, về ngôn ngữ…
– Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm phái sinh được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
- Tác phẩm phái sinh có được bảo hộ không?
– Thứ nhất, không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm
Khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2009 nhấn mạnh, tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ quyền tác giả nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
Tức là, sự ra đời của tác phẩm phái sinh không được gây tổn hại đến quyền lợi của tác giả tác phẩm gốc, bao gồm cả quyền tài sản và quyền nhân thân.
– Thứ hai, được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả
Tại khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009 quy định:
Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.
Có nghĩa là, ngoài trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị, thì bất kể hành động làm tác phẩm phái sinh nào cũng phải được sự cho phép của tác giả/chủ sở hữu tác phẩm gốc.
– Thứ ba, phải mang dấu ấn riêng của tác giả tác phẩm phái sinh
Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Theo đó, có thể hiểu, quyền tác giả không bảo hộ nội dung, ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức, cách thức thể hiện nội dung, ý tưởng đó.
Tác phẩm phái sinh là một tác phẩm sáng tạo từ tác phẩm gốc nên để được bảo hộ một cách độc lập, phải thể hiện được sự sáng tạo mới mẻ mang dấu ấn tác giả của nó nhưng đồng thời phải đảm bảo không xâm phạm tới quyền tài sản của tác giả tạo ra tác phẩm gốc và không trái với thuần phong mỹ tục.