Hiện nay, trào lưu cover (hát lại) bài hát của các ca sĩ nổi tiếng để đăng lên mạng khá phổ biến. Tuy nhiên cover lại bài hát của người khác liệu có vi phạm bản quyền? Mức phạt vi phạm là bao nhiêu?
- Trường hợp không vi phạm
Theo quy định của pháp luật hiện hành, bài hát là đối tượng được bảo hộ của pháp luật sở hữu trí tuệ, cụ thể được bảo hộ dưới loại hình “tác phẩm âm nhạc”.
Điều 10 Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định:
“Tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.”
– Để được bảo hộ quyền tác giả thì tác phẩm phải đáp ứng các điều kiện nhất định bảo gồm:
+ Tác phẩm phải có tính sáng tạo nguyên gốc, tức là phải do chính tác giả sáng tạo ra, không phải sự sao chép tác phẩm của người khác.
+ Tác phẩm phải được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định.
– Mặt khác, để tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam thì tác giả của tác phẩm phải là:
+ Tổ chức, cá nhân Việt Nam;
+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác;
+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.
Do hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đều là thành viên của công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật nên chỉ cần tác phẩm âm nhạc nước ngoài gốc được cover đáp ứng được yêu cầu bảo hộ thì sẽ được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam.
* Cover lại khi đã mua bản quyền bài hát / được sự cho phép của tác giả:
Khi đã mua bản quyền bài hát hoặc được sự cho phép của tác giả, thì người hát đương nhiên có quyền cover lại bài hát mà không vi phạm bản quyền tác giả.tổng đài tư vấn pháp luật
* Tác phẩm âm nhạc đã hết thời hạn bảo hộ:
Khoản 1 Điều 21 Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định:
“1. Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được. Biểu diễn tác phẩm trước công chúng bao gồm việc biểu diễn tác phẩm tại bất cứ nơi nào mà công chúng có thể tiếp cận được.”
– Cover lại bài hát là thực hiện quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng – một quyền tài sản của quyền tác giả.
– Thời hạn bảo hộ quyền tài sản thuộc quyền tác giả theo quy định tại Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ là:
+ Tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên.
+ Tác phẩm có thông tin về tác giả có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết.
+ Tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.
Trong trường hợp tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ, tác phẩm âm nhạc trở thành tác phẩm thuộc về công chúng, mọi tổ chức, cá nhân đều có thể sử dụng tác phẩm nhưng phải tôn trọng các quyền nhân thân của tác giả.
* Cover tác phẩm trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào
Điểm e khoản 1 Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ quy định về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao như sau:
“e) Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào.”
Như vậy, khi người hát biểu diễn, trình bày ca khúc trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào thì không cần xin phép, trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, không xâm phạm quyền tác giả.
- Trường hợp có vi phạm quyền tác giả
Ngoại trừ các trường hợp đã nêu ở trên, mọi hành vi cover bài hát mà không xin phép và trả tiền nhuận bút thù lao cho tác giả đều là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
- Mức phạt khi cover bài hát không xin phép
Mức phạt khi xâm phạm về việc biểu diễn tác phẩm trước công chúng được quy định tại điều 13 nghị định 131/2013/NĐ-CP như sau:
“Điều 13. Hành vi xâm phạm quyền cho phép biểu diễn tác phẩm trước công chúng
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi biểu diễn tác phẩm thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này.”