Nhượng quyền thương hiệu là hình thức kinh doanh mà một cá nhân hoặc một tổ chức nào đó được sử dụng thương hiệu/ tên của sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định để kinh doanh trong một thời gian nhất định với một ràng buộc tài chính nhất định có thể là một khoản chi phí hoặc là chia theo phần trăm doanh thu, lợi nhuận của cửa hàng.
- Điều kiện nhượng quyền thương hiệu
Theo quy định tại Điều 5, 6 của Nghị định 35/2006/NĐ-CP thì để có thể nhượng quyền thương hiệu thì các bên cần đáp ứng điều kiện sau:
Thứ nhất, đối với bên nhượng quyền thương hiệu:
– Hệ thống kinh doanh dự định thực hiện nhượng quyền phải hoạt động được ít nhất 01 năm;
– Nếu thương nhân Việt Nam là bên nhận quyền sơ cấp từ Bên nhượng quyền nước ngoài thì thương nhân Việt Nam này phải kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương hiệu với thời gian ít nhất là 01 năm tại Việt Nam trước khi thương nhân tiến hành cấp lại quyền thương mại;
– Đã thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu;
– Dịch vụ, hàng hoá kinh doanh thuộc nhóm đối tượng của quyền thương hiệu không vi phạm quy định của pháp luật.
Thứ hai, đối với bên nhận quyền thương hiệu:
– Bên nhận quyền phải là thương nhân;
– Có đăng ký kinh doanh các ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền của thương hiệu dự định nhận.
- Các mô hình nhượng quyền thương hiệu
– Mô hình nhượng quyền toàn diện
Đây là một mô hình nhượng quyền “trọn gói”. Theo đó, bên nhận nhượng quyền thương hiệu sẽ có các hợp đồng ký với thời hạn từ 5 năm đến 30 năm tùy theo chi phí có thể bỏ ra và tiềm lực của công ty.
Khi nhượng quyền toàn diện, bên nhượng quyền sẽ cho phép bên nhận nhượng quyền được nhận 4 mảng chính trong hoạt động kinh doanh của mình đó là:
+ Hệ thống ( mô hình, chiến lược, quy trình vận hành được chuẩn hóa, cẩm nang điều hành, chính sách quản lý, huấn luyện, kiểm soát, tư vấn & hỗ trợ khai trương, hỗ trợ quảng cáo, tiếp thị sản phẩm);
+ Bí quyết công nghệ kinh doanh/sản xuất;
+ Hệ thống thương hiệu;
+ Dịch vụ/Sản phẩm.
Thông thường khi thực hiện hình thức nhượng quyền này thì bên nhận nhượng quyền sẽ chịu 2 khoản phí cơ bản là phí hoạt động và phí nhượng quyền ban đầu. Thông thường bên nhượng quyền sẽ giúp bên nhận nhượng quyền trong chi phí thiết kế & trang trí cửa hàng, mua trang thiết bị, chi phí tiếp thị, quảng cáo, các khoản chênh lệch do mua nguyên vật liệu, hay chi phí tư vấn.
– Mô hình nhượng quyền không toàn diện
Mô hình nhượng quyền không toàn diện có thể hiểu là bên nhượng quyền nhượng quyền một mảng nào đó. Ví dụ như nhượng quyền công thức và cung cấp, tiếp thị quyền sử dụng hình ảnh thương hiệu, nhượng quyền sản phẩm.
Khi thực hiện hình thức nhượng quyền theo mô hình này thì bên nhượng quyền sẽ không can thiệp và giám sát quá nhiều trong sản xuất khâu cũng như vận hành của bên nhận nhượng quyền.
Mục đích của hình thức này là bên nhượng quyền muốn tăng doanh thu, tạo “độ phủ” thương hiệu của mình trên thị trường. Từ đó, tạo ra khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.
– Mô hình nhượng quyền có tham gia quản lý
Mô hình nhượng quyền có tham gia quản lý thường được áp dụng tại các chuỗi nhà hàng – khách sạn hay các chuỗi F&B lớn. Theo mô hình này thì ngoài việc cung cấp thương hiệu và hình thức kinh doanh thì bên nhượng quyền thương hiệu đồng thời cũng cung cấp cho bên nhận nhượng quyền người quản lý và điều hành. Việc làm này nhằm giúp việc giám sát cũng như vận hành kinh doanh dễ dàng hơn.
– Mô hình nhượng quyền có tham gia đầu tư vốn
Ngoài việc thực hiện nhượng quyền thương hiệu cho bên nhận quyền thì bên nhượng quyền cũng sẽ đầu tư một số vốn nhỏ vào công ty nhận quyền. Điều này giúp bên nhượng quyền thương hiệu có tiếng nói hơn trong việc giám sát hoạt động kinh doanh của bên nhận nhượng quyền. Đồng thời, cũng có thể tìm hiểu được thêm các thông tin về thị trường mà mình mới thâm nhập.
- Thủ tục nhượng quyền thương hiệu
Hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu bao gồm các tài liệu, giấy tờ sau:
– Đơn đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu theo mẫu do Bộ công thương hướng dẫn.
– Bản giới thiệu về việc nhượng quyền thương hiệu theo mẫu do Bộ công thương quy định.
– Tài liệu xác nhận tư cách pháp lý của bên dự kiến nhượng quyền thương mại;
– Trong trường hợp có sự chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp mà đã được cấp văn bằng bảo hộ trước đó thì phải có văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại nước ngoài hoặc tại Việt Nam.